Nơi giao lưu trao đổi tri thức Toán học

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

KHAI GIẢNG CÁC LỚP MỚI (THỨ 2, NGÀY 15/7/2013):

Bồi dưỡng văn hóa môn Toán + Tiếng việt cấp I
Bồi dưỡng văn hóa môn Toán - Lý - Hóa các lớp  6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12
 Luyện thi vào cấp II, III – Luyện thi đại học môn Toán
ĐỐI TƯỢNG HỌC SINH:
Học sinh yếu kém muốn lấy lại căn bản
Học sinh muốn thi vào cấp II, III trường chuyên tại  TP. Hồ Chí Minh
Học sinh muốn thi vào các khối A, A1, B, D
CAM KẾT VỚI PHỤ HUYNH VÀ HỌC SINH:
Học sinh yêu thích môn học
Có tiến bộ rõ rang chỉ trong 2 tuần học
  Học sinh biết cách phân tích, định hướng, tư duy vận dụng, liên kết kiến thức để giải Toán
Kiểm tra, phân loại và đánh giá học lực để từ đó cam kết mức điểm tối thiểu đạt được đối với Ph & Hs
THỜI GIAN HỌC:               (2 buổi / tuần)
ĐỊA ĐIỂM:                           35 Phan văn sửu, phường 13, Q. Tân bình, TP.HCM
NGOÀI RA ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN CHÚNG TÔI CÒN NHẬN DẠY KÈM TẠI NHÀ THEO YÊU CẦU CỦA QUÝ PHỤ HUYNH Ở CÁC QUẬN TRUNG TÂM TẠI TP.HCM (1, 3, 10, 12, TÂN BÌNH, TÂN PHÚ,  BÌNH THẠNH, GÒ VẤP, PHÚ NHUẬN)
ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN:     0917.689.883 (gặp Thầy Tuyến) _ Email: letuyenspt@gmail.com   yahoo: letuyenspt

SỰ TIẾN BỘ CỦA HỌC SINH VÀ SỰ HÀI LÒNG CỦA QUÝ PHỤ HUYNH LUÔN LÀ MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU CỦA TOÀN THỂ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN CHÚNG TÔI

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Nhà toán học nữ: Sofia Kovalevskaya


Kovalevskaya.jpgKovalevskaya, Sofia Vasilyevna (15/1/1850 - 10/2/1891)
Nơi sinh: Moscow, Nga. Nơi mất : Stockholm, Thụy Điển
Sofia Kovalevskaya là con giữa của viên tướng pháo binh Vasily Korvin-Krukovsky, và Velizaveta Shubert, cả hai đều là những người được giáo dục của giới quý tộc Nga. Sofia được dạy dỗ bởi các gia sư, đầu tiên sống tại Palabino, lãnh địa của Krukovsky, sau đó tại St. Petersburg, và tham gia vào nhóm xã hội của gia đình bà, trong đó có nhà văn Dostoevsky.



Sofia bị sức hấp dẫn của toán học lôi cuốn ngay từ khi còn rất nhỏ. Người chú của cô, Pyotr Vasilievich Krukovsky, một người rất quan tâm đến toán học, đã nói cho cô về những vấn đề của môn toán. Sofia viết trong tự truyện của mình:"ý nghĩa của các khái niệm này đương nhiên tôi không thể hiểu hết được, nhưng chúng đã tác động lên trí tưởng tượng của tôi, truyền cho tôi sự sùng bái toán học như một môn khoa học cao quý và bí hiểm, có thể mở ra một thế giới của những con người kỳ diệu, vô bờ bến."
Năm 11 tuổi, các bức tường trong căn phòng của Sofia dán đầy những trang bài giảng của Ostrogradski về phép tính vi phân và tích phân. Cô nhận thấy rằng một vài thứ trong các tờ giấy này cô đã được nghe qua những câu chuyện của người chú. Việc nghiên cứu các tờ giấy dán tường là bước đầu tiên Sofia đến với các phép toán.
Dưới sự dẫn dắt của gia sư, thầy giáo Y I Malevich, Sofia đã chính thức đến với nghiên cứu toán học, cô đã nói rằng: "Tôi cảm thấy sức lôi cuốn của toán học mãnh liệt đến nỗi tôi bắt đầu sao lãng các môn học khác."
Cha của Sofia quyết định chấm dứt các bài học về toán của cô, nhưng cô đã mượn được một bản sao (copy) cuốn sách Đại số (Algebra) của Bourdeu và đọc vào ban đêm khi cả nhà đã đi ngủ.
Một năm sau, một người hàng xóm, giáo sư Tyrtov, tặng gia đình cô một cuốn sách giáo khoa vật lý do ông viết, và Sofia đã thử đọc nó. Cô không hiểu những công thức lượng giác và cố gắng tự mình giải thích chúng. Tyrtov thấy khi làm việc với khái niệm hàm sin, cô đã sử dụng phương pháp suy luận giống như sự phát triển nó trong lịch sử. Tyrtov đã nói lại với với cha của Sofia nên khuyến khích cô tiếp tục học toán, nhưng phải mất vài năm sau, ông mới cho phép cô theo học các khóa học riêng.
Sofia đã buộc phải cưới chồng để có thể ra nước ngoài học tiếp lên đại học (Ở Nga thời đó, phụ nữ không được học Đại học; nhưng muốn có hộ chiếu ở nước ngoài thì phải là con gái đã có chồng. Vậy mới có đám cưới giả của Sofia, đám cưới này về sau trở thành thật). Cha của cô không cho phép cô rời khỏi nhà để học đại học, và người phụ nữ Nga lúc đó không thể sống ngoài gia đình nếu không có văn bản cho phép của cha hoặc của chồng. Năm 18 tuổi, cô đã làm đám cưới giả với Vladimir Kovalevski, một nhà cổ sinh vật học trẻ tuổi. Cuộc hôn nhân này gây ra nhiều nhiều vấn đề rắc rối cho Sofia và, trong suốt 15 năm, đây là nguyên nhân của sự buồn phiền, cáu giận và căng thẳng triền miên và sự tập trung của cô bị chi phối bởi các cuộc tranh cãi thường xuyên và những hiểu lầm với người chồng.
Năm 1869 Sofia đến Heidelberg để học toán học và các môn khoa học tự nhiên, nhưng sau mới vỡ lẽ: các trường đại học ở đây không nhận các nữ sinh. Cuối cùng cô thuyết phục được người ta cho cô dự nghe các bài giảng một cách không chính thức. Sofia đã học rất tốt ở đó ba học kỳ và, theo hồi ức của các bạn sinh viên cùng học, cô ngay lập tức thu hút chú ý với các thầy giáo với khả năng toán học khác thường của mình. Giáo sư- Konigsberger, nhà hóa học lỗi lạc Kirchhoff, .... và tất cả các giáo sư khác đều rất yêu mến cô học trò xuất sắc của mình và nói về cô như một hiện tượng khác thường.

Năm 1871 Kovalevskaya chuyển đến Berlin để học Weierstrass, thầy của Konigsberger. Nhưng Ban giám hiệu đã từ chối việc cho phép cô tham gia các khóa học ở trường này bất chấp những cố gắng của Weierstrass và những đồng nghiệp của ông. Thật trớ trêu điều này lại giúp cô được học riêng với Weierstrass hơn 4 năm liền.
Gần đến mùa xuân năm 1874, Kovalevskaya hoàn thành 3 bài báo. Weierstrass cho rằng mỗi một bài báo này xứng đáng với học vị tiến sĩ (doctorate). Ba bài báo này về phư-ơng trình đạo hàm riêng (Partial differential equations), tích phân Abel (Abelian integrals) và vành Saturn (Saturn's Rings). Bài báo đầu tiên được công bố trong Tạp chí Crelle (Crelle's Journal) năm 1875, là một sự đóng góp rất đáng chú ý. Bài báo về biến đổi tích phân Abel về các tích phân elliptic (elliptic integrals) đơn giản hơn tuy không quan trọng bằng bài báo trước nhưng có chứa hàng loạt những thao tác khéo léo chứng tỏ cô làm chủ hoàn toàn lý thuyết Weierstrass.
Năm 1874 Kovalevskaya được cấp bằng tiến sĩ, summa cum laude, của Trường Đại học Gottingen. Mặc dù có bằng tiến sĩ và thư tiến cử đặc biệt của Weierstrass, Kovalevskaya vẫn không kiếm được một chân giảng dạy trong trường Đại học. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng giới tính của bà vẫn là cản trở lớn nhất. Kết quả là suốt sáu năm bà không tiếp tục được công việc nghiên cứu và cũng không đáp lại các bức thư của Weierstrass. Bà cay đắng nhận ra rằng công việc tốt nhất là dạy số học trong các lớp cơ bản của trường dành cho nữ sinh.
Năm 1878, Kovalevskaya sinh con gái, nhưng từ năm 1880 cô bắt đầu trở lại với các nghiên cứu toán học của mình. Năm 1882 bà bắt đầu làm việc với khúc xạ ánh sáng (refraction of light), và viết ba bài báo về đề tài này. Năm 1916, Volterra đã nhận ra Kovalevskaya đã có một số sai lầm giống Lamé, trong các bài báo đặt có sở cho vấn đề này, mặc dù bà đã chỉ ra một số các lỗi khác mà Lamé mắc phải trong cách trình bày vấn đề của ông. Tuy vậy, bài đầu tiên trong ba bài báo có giá trị rất lớn, bởi vì nó bao gồm một sự giải thích lý thuyết của Weierstrass cho việc giải một số ph-ương trình đạo hàm riêng.
Mùa xuân năm 1883, Vladimir, người mà Sofia đã ly thân trong vòng 2 năm, đã tự tử. Sau cú sốc ban đầu, Kovalevskaya tự giam mình vào công việc toán học nhằm xua đi những cảm giác tội lỗi. Mittag-Leffler giúp Kovalevskaya vượt qua những sự chống đối ở Stockholm, và cuối cùng đã giành được cho bà chức vụ phó giáo sư (privat docent). Bà bắt đầu giảng dạy ở đây từ đầu năm 1884, nửa năm sau, tháng Sáu năm 1884, được cử làm quyền giáo sư (extraordinary professorship), và đến tháng 6 năm 1889 trở thành người phụ nữ đầu tiên sau nhà vật lý Laura Bassi và Maria Gaetana Agnesi được giữ một chức vụ giáo sư chính thức ở một trường Đại học của châu Âu.
Trong những năm Kovalevskaya ở Stockholm, bà đã tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng trọng nhất. Bà giảng bài về những vấn đề mới nhất trong giải tích và trở thành Tổng biên tập tạp chí mới Acta Mathematica. Bà giữ lên lạc với các nhà toán học của Paris và Berlin và tham gia vào việc tổ chức các hội nghị quốc tế. Vị trí của bà làm xã hội chú ý, bà bắt đầu viết hồi ký (reminiscences) và những vở kịch, những công việc mà bà rất yêu thích khi còn trẻ.
Chủ đề của giải thưởng Bordin của Viện hàn lâm Khoa học Pháp được công bố năm 1886. Những bài tham dự phải có những đóng góp đáng kể cho bài toán nghiên cứu vật thể rắn. Kovalevskaya đã tham gia và, năm 1886, bà được trao tặng giải thưởng Bordin với công trình Mémoire sur un cas particulier du problème de le rotation d'un corps pesant autour d'un point fixe, ou l'intégration s'effectue à l'aide des fonctions ultraelliptiques du temps. (Một trường hợp riêng của bài toán về sự quay một vật thể quanh một điểm cố định, nơi tích phân có tác dụng với sự ứng dụng của hàm số siêu elliptic). Để ghi nhận công trình xuất sắc này, tiền thưởng đã được nâng từ 3,000 lên 5,000 francs.
Sự nghiên cứu sâu hơn của Kovalevskaya về đề tài này đã nhận được giải thưởng của Viện hàn lâm khoa học Thuỵ Điển vào năm 1889, và cùng năm đó, theo đề xuất của Chebyshev, Kovalevskaya được bầu làm viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Nga. Mặc dù chính phủ Nga hoàng nhiều lần khước từ việc cử bà vào một chức vụ chính thức ở trường Đại học trên chính trên quê hương bà, Viện hàn lâm đã thay đổi quy định để cho phép bầu một phụ nữ làm viện sĩ.
Công trình được công bố cuối cùng của Kovalevskaya là một bài báo ngắn Sur un théorème de M. Bruns (Về một định lý của M.Bruns – ngocson52) trong đó bà đưa ra một chứng minh mới, đơn giản hơn định lý Bruns về tính chất của hàm thế năng (potential function) của vật thể đồng nhất (homogeneous body). Đầu năm 1891, khi đang trên đỉnh cao của sáng tạo toán học và vinh quang, Kovalevskaya mất vì sưng phổi.

Có nên mua vé số không? - Vé số dưới góc nhìn TOÁN HỌC

Chúng ta cùng nhau tìm câu trả lời cho các câu hỏi:
1. Có nên mua vé số không?
2. Phần lợi thuộc về cơ quan phát hành vé số hay thuộc về người mua?
3. Nếu cơ quan phát hành vé số có lợi thì họ sẽ thu lợi nhuận bao nhiêu phần trăm trong tổng số doanh thu khi bán vé số ra thị trường?


Ta thường gặp những trò may rủi trong đời sống như: Trò chơi thảy đồng tiền xu, trò bầu cua, tài xiểu, đánh đề, mua vé số, … Dù đây là những trò chơi may rủi nhưng bằng cách dùng toán học phân tích luật chơi ta có thể tính toán được phần lợi thuộc về ai khi chơi.

Tôi xin bắt đầu bằng trò chơi đơn giản nhất đó là trò thảy đồng xu. Luật chơi của trò này như sau: tôi cầm cái, bạn cầm quân, trước khi thảy đồng xu bạn đặt cược một trong hai khả năng sấp hoặc ngửa một số tiền x, nếu khi tung đồng xu xuất hiện mặt trùng với mặt bạn đã đặt cược thì bạn được lấy lại số tiền x và tôi phải chung thêm cho bạn một số tiền x nữa. Xác suất xuất hiện mỗi mặt sấp hoặc ngửa đều là p=0,5. Bạn đã bỏ ra số tiền x, khi trúng bạn thu về số tiền 2x. Nếu lấy số tiền x đã bỏ ra chia cho xác suất p=0,5 thì được 2x, bằng với số tiền bạn thu lại khi trúng. Như vậy, trong trường hợp này, luật chơi là công bằng cho cả tôi và bạn. Công bằng theo nghĩa là nếu tôi và bạn chơi với một số lượng ván thật lớn thì xu hướng chung là cả tôi và bạn chẳng ai ăn ai được bao nhiêu tiền. Ngoài ra luật chơi này được đánh giá là công bằng theo nghĩa: nếu tôi cầm cái và 2 người A, B cầm quân mà hai người cầm quân này luôn đặt cược một người sấp và một người ngửa với số tiền bằng nhau, khi này người cầm cái huề vốn.

Ngày tết chắc bạn cũng chơi bầu cua. Câu hỏi đặt ra là nên cầm cái hay cầm quân khi chơi bầu cua? Trò chơi bầu cua có 3 khối lập phương, mỗi khối có 6 mặt, mỗi mặt gồm các hình: bầu, cua, tôm, cá, gà, nai. Như vậy có tổng cộng 18 mặt trong đó mỗi loại có 3 mặt. Xác xuất để xuất hiện 1 hình trong 6 hình đều là p=(1/6)*3=1/2. Luật chơi ở đây là khi người cầm quân đặt cược số tiền x và nếu trúng sẽ được lấy lại x và được chung thêm x. Luật chơi này được đánh giá là công bằng đối với người cầm cái và cầm quân. Nếu ngày tết bạn chỉ chơi có vài ván thì chuyện thắng thua là do may rủi, còn về phương diện xác suất là công bằng. Nếu có 6 người cầm quân, ván nào 6 người này cũng đặt cược mỗi người 1 con trong 6 con với số tiền bằng nhau thì người cầm cái sẽ huề vốn. Tiền chỉ di chuyển qua lại giữa 6 người cầm quân. Nếu ai rủ tôi chơi bầu cua tôi thì ván nào tôi cũng đặt 6 nhà, mỗi nhà mỗi con khác nhau với số tiền bằng nhau. Khi đó tôi và người cầm cái luôn luôn huề vốn.

Bây giờ đến trò chơi vé số, mỗi tờ vé số giá 10 ngàn đồng, chứa 1 số có 6 chữ số dạng abcdef. Cơ cấu giải thưởng cho 1 triệu vé loại 10 ngàn đồng 1 vé như sau:




1 giải đặc biệt (6 số) 1,5 tỉ đồng
10 giải nhất (5 số) mỗi giải trị giá 26 triệu đồng
10 giải nhì (5 số) mỗi giải trị giá 15 triệu đồng
20 giải ba (5 số) mỗi giải trị giá 10 triệu đồng
70 giải tư (5 số) mỗi giải trị giá 30 triệu đồng
100 giải năm (4 số) mỗi giải trị giá 1 triệu đồng
300 giải sáu (4 số) mỗi giải trị giá 400 ngàn đồng
1000 giải bảy (3 số) mỗi giải trị giá 200 ngàn đồng
10 000 giải tám (2 số) mỗi giải trị giá 100 ngàn đồng
Ngoài ra còn 9 giải phụ đặc biệt dành cho vé trúng 5 chữ số sau cùng của giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng
45 giải khuyến khích dành cho các vé chỉ sai 1 số ở bất cứ hàng nào so với giải đặc biệt 6 chữ số, mỗi giải trị giá 8 triệu đồng.


Tại sao người ta lại đưa ra cơ cấu giải thưởng như vậy? Theo bạn giải thưởng như vậy là nhiều hay ít? Người ta có tính toán gì trước khi đưa ra cơ cấu giải thưởng như vậy không?

Giả sử trong 1 đợt phát hành nào đó người ta phát hành đủ 1 triệu vé gồm các dãy số từ 000000 đến 999999. Giả sử tôi mua được tất cả 1 triệu vé này, số tiền tôi bỏ ra là 10 tỉ đồng.

Khi đó, tôi chắc chắn trúng tất cả các giải thưởng trong cơ cấu giải thưởng trên. Bằng một phép cộng đơn giản, số tiền tôi thu được sẽ là: 5 tỉ đồng. Bạn thấy ngạc nhiên chưa, tôi đã bỏ ra 10 tỉ đồng mà chỉ thu lại được 5 tỉ. Như vậy ta rút ra kết luận là luật chơi không công bằng.

Thực tế hiếm khi nào tôi có thể mua được 1 triệu vé ở trên, tuy nhiên con số vừa tính toán mang nhiều ý nghĩa thực tế. Trên lý thuyết thì bên phát hành vé số sẽ thu được 50% lợi nhuận trong tổng số doanh thu của họ. Con số 50% này chia đều cho các khâu trong quy trình phát hành vé số. Tôi không biết chính xác giá một tờ vé số 10 ngàn đồng được đưa xuống đại lý vé số với giá bao nhiêu. Có một lần tôi hỏi thử cụ già bán vé số: “khi bán được 1 tờ vé số bà lời bao nhiêu?” Bà cụ thật hiền lành trả lời thật: “bà lời 1 ngàn đồng 1 tờ”. Lúc đó tôi mua ủng hộ bà. Có nên mua vé số hay không đó là tuỳ bạn. Mua vé số trước tiên là ủng hộ người nghèo (người trực tiếp bán vé số cho mình), ủng hộ nhà nước nữa (vé số kiến thiết mà), còn chuyện trúng hay không là do may rủi (vì bạn có mua được 1 lúc 1 triệu vé như tôi giả sử lúc nãy đâu).

Con số lý thuyết này dần trở thành thực tế khi số lượng lần phát hành vé số càng nhiều. Tôi không biết chính xác là việc phát hành vé số KIẾN THIẾT bắt đầu từ năm nào nhưng theo dự đoán của bản thân tôi thì chắc cũng khoảng vài chục năm rồi. Tôi lấy mức trung bình khoảng 30 năm, đem nhân cho 365 ngày sẽ được 10950 đợt phát hành.

Trong toán học có khái niệm xác suất, nếu thảy đồng một đồng xu cân đối và đồng chất thì xác suất xuất hiện mặt sấp là 0,5 và mặt ngửa cũng là 0,5. Con số p=0,5 mang ý nghĩa thực tế gì? Khi dạy bài xác suất cho đám học trò lớp 11 của mình, tôi lấy ví dụ: Nhà toán học Buffon, người Pháp, đã thí nghiệm thảy đồng xu cân đối nhiều lần và thu được kết quả như sau: số lần gieo là 4040 thì số lần xuất hiện mặt ngửa là 2048, nếu thảy đồng xu 12000 lần thì số lần xuất hiện mặt ngửa là 6016, nếu thảy 24000 lần thì số lần xuất hiện mặt ngửa là 12012. Đám học trò tinh nghịch mới phát biểu rằng: “Ông này thiệt là rảnh, không có việc gì làm.” Công việc của ông ta không phải vô ích đâu. Nếu gọi n là tổng số lần thảy của Buffon, f là số lần xuất hiện mặt ngửa thì ta thấy tỉ số f/n càng ngày cành xấp xỉ bằng 0,5 khi n càng lớn. Như vậy con số 10950 đợt phát hành vé số sau 30 năm cũng có thể coi là lớn rồi đấy.

Có vài định nghĩa xác suất trong toán học. Xác suất ở lớp 11 được định nghĩa theo kiểu định nghĩa cổ điển (định nghĩa theo tần xuất). Ngoài ra còn có định nghĩa xác suất bằng độ đo, bằng hệ tiên đề. Trong thực tế có nhiều hiện tượng ngẫu nhiên, ta không thể đoán trước được kết quả của nó, tuy nhiên ta có thể ước lượng cơ hội của nó. Xác suất chính là cơ hội, khả năng xảy ra của những hiện tượng đó.

Tôi sẽ không trả lời câu hỏi đặt ra lúc đầu, câu trả lời dành cho độc giả. Cuối cùng xin có lời khuyên: dù bạn là ai, hãy cố gắng vận dụng những gì học được từ môn toán vào thực tế. ( Theo Phan Tấn Phú)

Vì sao thiên tài toán học Nga từ chối 1 triệu USD?

Grigory Perelman, nhà toán học người Nga từng từ chối giải thưởng một triệu USD, tuyên bố ông biết cách kiểm soát cả vũ trụ nên chẳng cần tới tiền.



Vào tháng 3/2010, Viện Toán học Clay (CMI) tại Mỹ thông báo họ sẽ trao khoản tiền thưởng trị giá một triệu USD cho Grigory Perelman, nhà toán học Nga, do ông chứng minh được giả thuyết Poincaré, một trong bảy vấn đề toán học quan trọng nhất trong thiên niên kỷ thứ hai chưa được làm sáng tỏ.

Nhưng Perelman, hiện thất nghiệp và sống cùng mẹ trong một căn hộ nhỏ ở thành phố St Petersburg, từ chối nhận giải thưởng. Lý do mà ông đưa ra là CMI phớt lờ nỗ lực của Richard Hamilton, một nhà toán học khác, trong quá trình chứng minh giả thuyết Poincaré. Tuy nhiên, một bộ phận dư luận không tin đây là lý do khiến ông từ chối giải thưởng.

Nhật báo Komsomolskaya Pravda của Nga cho biết, tiến sĩ Perelman đã trò chuyện với một nhà sản xuất phim có tên Alexander Zabrovsky vào cuối tháng 4. Vì Zabrovsky sắp sản xuất một phim tài liệu về các nhà toán học xuất sắc nhất thế giới nên Perelman đồng ý trả lời những câu hỏi phỏng vấn của ông. Trong cuộc phỏng vấn nhà toán học nhắc tới khái niệm trống rỗng. Ông cho rằng tình trạng trống rỗng tồn tại khắp nơi và con người có thể tính toán được nó.

“Tôi cùng các đồng nghiệp đã tìm ra cách tính toán sự trống rỗng. Chúng tôi hiểu rõ các cơ chế lấp đầy những khoảng trống xã hội và kinh tế”, ông nói với nhà báo tuần trước.

Perelman nói nghiên cứu của ông có thể mở đường cho sự ra đời của nhiều ứng dụng to lớn trong nhiều lĩnh vực - từ công nghệ nano tới các bộ môn khoa học xã hội. Nó sẽ giúp nhân loại hiểu bản chất tự nhiên của vũ trụ. Do hoạt động nghiên cứu quá thú vị nên ông không còn thời gian cho những vấn đề khác.

"Tôi biết cách kiểm soát cả vũ trụ, vậy thì tại sao tôi phải theo đuổi một triệu USD?", ông nói.

Nhà toán học được xưng tụng là "người thông minh nhất thế giới" cũng giải thích nguyên nhân khiến ông không muốn trả lời phỏng vấn của giới truyền thông suốt một năm qua. Perelman khẳng định ông tránh xa giới truyền thông vì không muốn nổi tiếng và cũng sợ hành vi xấu của một số nhà báo.

Giả thuyết Poincaré, được nhà toán học lỗi lạc Henri Poincaré đưa ra năm 1904, liên quan đến cấu trúc bên trong của các định dạng ba chiều. Chứng minh giả định này là một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà toán học thế giới suốt 100 năm qua.

CMI xếp giả thuyết Poincaré cùng với sáu vấn đề hóc búa trong toán học thành bảy bài toán của thiên niên kỷ và tuyên bố sẽ trao một triệu USD cho người đầu tiên giải quyết được một trong số các vấn đề.

Perelman, người từng làm việc ở Viện toán học Steklov ở St Petersburg, bắt đầu đăng lên mạng các tài liệu chứng minh giả định năm 2003. Loạt kiểm tra sau đó chứng minh ông đã đúng.

Bốn năm trước, Perelman từng được trao huy chương Fields, giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực toán học, từ Liên minh Toán học Quốc tế.

Vào thời điểm đó, Perelman phát biểu: "Tôi không hứng thú với tiền bạc hay danh vọng. Tôi không muốn bị trưng bày như động vật trong sở thú. Tôi không phải là một anh hùng toán học. Đó là lý do tại sao tôi không muốn mọi người nhìn mình". Ông từ chối nhận giải và cũng không tới dự buổi lễ.

Toán vui

4 ông A B C D đi uống nước. Tổng số tiền phải trả là 25 đồng.
A B C mỗi ông trả 10 đ.( 10*3 =30 ) Ông D không trả 

Bà chủ thối 5 đ.

Ông D lấy 2 đ, còn lại 3đ chia đều cho 3 ông kia.

A B và C nghĩ : vậy mỗi ông chỉ chịu thiệt có 9đ, cộng với số tiền ông D giữ : 9*3 +2 = 29 đ

Vậy rốt cuộc thiếu 1 đ ? Vậy đồng đó ở đâu ?

Bài này có người đã đố Cir ở AL
 

Giải 


+ Ba người không mất đồng nào cả. Vì 27 đồng chi ra trong đó gồm 25 đồng trả chủ quán và 2 đồng cho ông D.
Tóm lại, số tiền 30 đồng gồm 25 đ trả bà chủ; 2 đ ông D giữ và 3 đồng mà 3 ông kia đã nhận lại sau đó.

Bài Toán Cổ Dân Gian

Hôm trước ta có nói đến một bài toán cổ trên ngôi mộ cổ có khắc số 2520 đó là một con số rất đẹp trong một bài toán có đánh dấu sao dành cho hs lớp 4 mà ngày xưa lão già mùa đông này đã học .


Hôm nay lão già mùa đông này lại nói đến một bài toán cổ nữa mà cô tiên mùa xuân đã dạy cho lão hồi lớp 6 . Những dòng in đậm màu xanh chính là cô tiên đã dạy lão cách giải đó đấy



Bài toán cổ dân gian

Vừa gà vừa chó
Bó lại cho tròn
Ba mươi sáu con
Một trăm chân chẵn
Hỏi bao nhiêu gà bao nhiêu chó!

Bài giải

ta gọi : chó =X , gà=Y
ta được X + Y = 36 (1)
và 4X + 2Y = 100 (2)
giải hệ pt 2 ẩn số
đem pt (1) x2 ta được 2X + 2Y = 72
Trừ 2 vế ta được 2X = 28
=> X = 14 và Y = 22
Kết luận : có 14 chó và 22 gà

Bài toán này là bài toán cổ, toán học đã chững minh rằng nó có hệ nghiệm duy nhất.
Vét cạn trong không gian tìm kiếm sẽ tối ưu khi ta tìm trong không gian giao của các không gian. Ở đây ta có hai không gian. Không gian thứ nhất giới hạn bởi tổng số gà và chó bằng 36. Không gian thứ 2 giới hạn số chân bằng 100. lời giải của các bạn là tìm nghiệm thỏa mãn không gian thứ nhất ( tổng số con vật bằng 36 ), xong rồi vét trên không gian thứ 2 ( tổng số chân bằng 100 ). Lời giải của mình là tìm nghiệm thỏa mãn trên không gian thứ hai trước ( tổng số chân bằng 100 ), xong rồi vét cạn trên không gian thứ nhất ( tổng số con vật bằng 100 ).
nếu giao của hai tập hợp A và B là khác rỗng, theo toán học ta có : A ^ B = B ^ A. Tức là việc vét một không gian theo không gian còn lại để tìm giao là hoàn toàn tương đương. Giao của hai không gian này chính là lời giải mà chúng ta cần tìm.


Đây là bài toán cổ quen thuộc có trong SGK toán cũ với học sinh lớp 8 , 9 bài toán được giải dễ dàng bằng cách đưa về 1(hệ) phương trình bậc nhất nhưng với học sinh lớp 5 , 6 đây là bài toán khó điển hình cho dạng toán giả sử thường chỉ dành cho học sinh khá giỏi . Dạng toán có tên gọi như thế vì khi giải dạng toán này bài giải được bắt đầu bằng câu : Giả sử rằng …Cụ thể với bài toán trên, bài giải thường được trình bày như sau:

Giả sử cả 36 con đều là chó cả, khi đó tổng số chân có là: 36 x 4 = 144 (chân)
Số chân bị dôi ra là 144 – 100 = 44 (chân)
Sở dĩ như vậy do số chân của mỗi con gà bị tính dôi ra là: 4 – 2 = 2 (chân)
Vậy số gà là: 44:2 = 22 (con)
Số chó là: 36 – 22 = 14 (con)

Đã qua nhiều năm tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác chưng hửng khi lần đấu gặp bài toán này, bó tay và rồi được thấy cho bài giải Giả sử .. . Cái Giả sử trời ơi này từ đâu ra thế?
Hình như để tránh cái Giả sử đột ngột kia, và cũng để tạo ấn tượng, một số tác giả đưa ra cách giải Gắn thêm cho mỗi con gà 2 chân, khi đó tổng số chân là … hoặc bắt mỗi con chó đều gác hai chân lên bàn … . Ấn tượng thì có ấn tượng thật, nhưng vẫn cái cảm giác gượng ép, đột ngột từ trên trời rơi xuông.

Một số tác giả khác đưa ra cách giải bằng sơ đồ:

Biểu thị số chó bằng một hình tam giác, số gà bằng một hình tròn.
Như thế ta có 1 tam giác + 1 hình tròn = 36,
Số chân chó + số chân gà = 4 tam giác + 2 hình tròn = 100
Thay 2 tam giác + 2 hình tròn = 72, còn lại 2 tam giác = 100 – 72 = 28 …

Thực chất cách giải này là giải một hệ phương trinh bậc nhất trong đó hai ẩn x, y thông thường được thay bằng các hình vẽ tam giác, hình tròn. Nhìn chung vẫn là cách giải truyền thống: phỏng theo cách giải đại số để giải bài toán số học.

Mọi bài toán đố đều cần được xem như những trò chơi trí tuệ, nhằm rèn luyện trí tuệ …

Chúng bay sẽ bị “đạo hàm”

Một thanh niên trẻ mắt mũi trợn trừng lao lên toa tàu đe nẹt mọi người... Hắn phi như điên trên toa tàu, huơ huơ tay và mồm la to dữ tợn. "Chúng bay dẹp ra, cút hết đi."


"- Nếu đứa nào còn đứng chắn đường ta, nó sẽ bị ta đạo hàm hoặc không thì sẽ bị tích phân..."

Mọi người trên tàu hoảng loạn, chạy té cả ra, tránh thật xa tên thanh niên dữ tợn. Duy nhất, chỉ còn một cô gái xinh đẹp, chân dài vẫn đứng nguyên tại chỗ, mỉm cười. Tên thanh niên tiếp tục đe dọa và nhắc lại lời hứa sẽ tích phân hay đạo hàm cô gái.

Cô gái mỉm cười thỏ thẻ:

"- Dạ thưa chàng, thiếp không sợ đâu. Thiếp chính là e^x" (e mũ x)


..........................................

Đây là cô nàng nắm rất chắc kiến thức giải tích cơ sở. Lý do để không sợ anh ta có thể trình bày đơn giản như sau:

∫exp(x)dx = exp(x) + C

d(exp(x))/dx = exp(x)

trong đó ký hiệu toán học exp(x) chính là e^x với e=2.71828 (cơ số tự nhiên néper). Điều này có nghĩa là anh chàng thoải mái đạo hàm hay tích phân, cô nàng vẫn là exp(x) mà thôi.

Toán nâng cao lớp 1

Bài toán: Tìm tuổi của ông, biết tuổi ông là số chẵn, nếu đổi chỗ chữ số tuổi ông ra tuổi bố, cộng hai chữ số tuổi bố ra tuổi con. Biết Tổng tuổi ông, bố, và con là 144, tuổi ông nhỏ hơn 100.Bài này là đề thi toán tiểu học quốc tế tại Ấn Độ 2004


Bài giải

1) Đoán mò
Giả định số tuổi ông là 84<100:
- Tuổi Bố là số tuổi ông đổi chỗ: 84->48
- Tuổi con: 4+8=12
- 84+48+12=144
Vậy kết luận Tuổi ông là 84.


2)
Tuổi của ông nhỏ hơn 100 vậy là số có 2 chữ số, gọi tuổi ông là ab trong đó a và b là số có 1 chữ số và chữ số b là số chẵn: 2, 4, 6, 8
Tuổi của bố là ba.
Tuổi của con là b+a = a+b do phép cộng có tính chất hoán vị .
Theo đầu bài ta có: ab + ba + a + b = 144
a0 + b + b0 + a + a + b = 144
2a + 2b + a0 + b0 = 144
2(a+b) + 10(a+b) = 144
12(a+b) = 144
a + b = 12 vậy tuổi con là 12
a và b là số có một chữ số do đó không bằng 10
Nếu b = 4 thì a = 8 tuổi bố là 48, tuổi ông là 84
Nếu b = 6 thì a = 6 tuổi bố và tuổi ông đều là 66 -> không đúng
Nếu b = 8 thì a = 4 tuổi bố là 84, tuổi ông là 48 -> không hợp lý
Vậy đáp án đúng là:
a= 8, b = 4
Tuổi ông là 84, tuổi bố là 48, tuổi con là 12.

Nguyên lý Dirichlet và các bài toán áp dụng

Xin giới thiệu một bài viết về nguyên lý Dirichlet, nguyên lý nay thì chắc các bạn học toán đã biết, nhưng những bài viết chủ đề này có lẽ luôn luôn hot. Nguyên lý Dirichlet và các bài toán áp dụng. các bạn tải về tham khảo nhé.
Download

KAPREKAR – Hằng số thần kì

Một con số tầm thường, chẳng có gì là ấn tượng phải không các bạn?
Nhưng khoan đã, mình xin bạn hãy làm các bước sau:
1- Chọn một con số bất kỳ gồm 4 chữ số (dĩ nhiên với điều kiện cả 4 chữ số này không được trùng nhau như 1111, 2222,...) Ví dụ mình thử chọn ngày tháng hôm nay là 2202 đi.

2- Đảo lộn thứ tự các chữ số sao cho mình chọn được 2 con số lớn nhất và nhỏ nhất thu được từ việc đảo lộn này. Trong ví dụ của mình là hai số 2220 và 0222.
3- Lấy số lớn nhất trừ đi số nhỏ nhất: 2220 - 0222 = 1998
4- Lặp lại bước 2 và 3 đối với hiệu số vừa thu được.
Như vậy ta có các bước sau: 9981 - 1899 = 8082
8820 - 0288 = 8532
8532 - 2358 = 6174
7641 - 1467 = 6174 ...
Bạn đã thấy gì chưa? Hằng số Kaprekar xuất hiện sau phép trừ thứ 4 !
Dĩ nhiên là bắt đầu từ đây bạn sẽ dậm chân tại chỗ, không thu được số nào khác ngoài hằng số này.
Có thể điều này chỉ là sự trùng hợp, không có gì đáng lạ lắm.
Nhưng điều kỳ diệu chính là: nếu ngay từ đầu bạn chọn một số bất kỳ nào khác thì cuối cùng bạn cũng sẽ phải dậm chân tại hằng số Kaprekar chứ không phải một số nào khác! Nếu không tin bạn cứ thử xem.
Và bạn sẽ không phải mất thời gian tính toán vì với bất kỳ số nào, bạn cũng sẽ chỉ mất tối đa 7 bước (7 phép trừ) để đi đến kết quả cuối cùng.
Kaprekar là tên của một nhà toán học nghiệp dư người Ấn Độ đã phát hiện ra hằng số này vào năm 1946. Quy luật này không chỉ dành cho các số 4 chữ số, mà còn có các "hằng Kaprekar" khác dành cho các số có 3, 5, 6,... chữ số. Bạn thử tìm các hằng số này xem.